Covid-19 gây “tổn thương” các thị trường gạo, tấm và ngô đến mức nào?
Covid-19 đã làm ảnh hưởng đến toàn bộ ngành kinh tế. Thị trường nguyên liệu cũng không ngoại lệ. Nguồn nguyên liệu đầu vào sản xuất thức ăn chăn nuôi đã tăng mạnh ảnh hưởng đến giá thức ăn chăn nuôi. Bên cạnh đó nó là nguyên nhân gián tiếp ảnh hưởng giá nguồn thực phẩm như thịt lợn, thịt gà, trứng,.. Covid-19 đã “tàn phá” mạnh mẽ ngành nông nghiệp vốn đã yếu đuối. Để hiểu rõ về vẫn đề này, các bạn theo dõi ngay bài phân tích của chúng tôi nhé!
Covid-19 gây tổn thương các thị trường gạo, tấm và ngô đến mức nào?
Nguồn cung lúa gạo – loại lương thực quan trọng nhất của hàng tỷ người dân trên toàn cầu – bị thắt chặt và việc vận chuyển gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 đang đẩy giá gạo thế giới tăng không ngừng. Giá gạo tại các nước sản xuất chủ chốt của Châu Á năm 2020 đã tăng khoảng 20 – 45% do nhu cầu nhiều bất thường, nhất là chủng loại chất lượng thấp (làm thức ăn chăn nuôi hoặc nguyên liệu thay thế) và do thời tiết bất lợi ảnh hưởng đến sản lượng gạo ở một số thị trường chủ chốt. Khô hạn ở Đông Nam Á khiến xuất khẩu gạo của Thái Lan và Việt Nam – nước xuất khẩu gạo lớn thứ 2 và 3 thế giới –bị giảm tổng cộng 1/4 trong khoảng thời gian tháng 1-11/2020 so với cùng kỳ năm 2019.
Bước sang năm 2021, xu hướng giá gạo tăng vẫn chưa dừng lại
Tại Ấn Độ, giá gạo 100% tấm hiện đã tăng lên 280 USD/tấn tại một số cảng biển nước này, so với 260 USD/tấn hồi tháng 12/2020, và dự báo sẽ còn tăng tiếp. Hợp đồng tham chiếu gạo (loại 5% tấm) của Thái Lan và Việt Nam hiện có giá cao hơn lần lượt 23% và 45% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi giá gạo nội địa ở Trung Quốc tăng khoảng 25%. Nhiều khách hàng Châu Á tăng cường nhập khẩu gạo tấm càng khiến cho nguồn cung trở nên hạn hẹp.
Trung Quốc, nước sản xuất gạo hàng đầu thế giới, tháng 12/2020 đã nhập khẩu gạo Ấn Độ lần đầu tiên trong vòng ít nhất 3 thập kỷ. Nước này vẫn đang tiếp tục mua gạo 100% tấm để làm mì và làm thức ăn chăn nuôi. Việt Nam cũng mua gạo tấm của Ấn Độ để làm thức ăn chăn nuôi và nấu bia rượu. Thị trường một số loại ngũ cốc khác như ngô, lúa mì và đậu tương cũng “nóng” lên do thời tiết cực đoan ở những khu vực sản xuất chủ chốt và tình trạng vận chuyển bị tắc nghẽn do dịch Covid-19 càng khiến giá gạo tăng nhanh, vì trong nhiều trường hợp, gạo và các ngũ cốc khác có thể sử dụng thay thế nhau.
Tiêu thụ ngũ cốc của Trung Quốc năm 2020 mạnh mẽ đến nỗi không chỉ làm cạn kiệt kho dự trữ của quốc gia này, mà còn thúc đẩy hoạt động nhập khẩu ngũ cốc lên mức cao kỷ lục, khiến giá ngô, lúa miến và lúa mạch tăng mạnh. Nhu cầu nhập khẩu mạnh từ khách hàng Trung Quốc đã đẩy giá ngũ cốc thế giới tăng lên mức cao kỷ lục chưa từng có trong vòng 6 – 7 năm. Theo đó, giá ngô, một loại ngũ cốc quan trọng dùng sản xuất thức ăn chăn nuôi, tăng 25% đã tác động lan truyền tới thị trường ngũ cốc lương thực, buộc ngành chăn nuôi phải chuyển sang sử dụng gạo phẩm cấp thấp (giá rẻ), như gạo 100% tấm, làm thức ăn cho vật nuôi.
Nguồn: Cafef.vn