Số lượng lợn chết vì dịch ở Trung Quốc năm nay có thể lên đến 200 triệu con, bằng tổng số đàn lợn ở châu Âu và Mỹ.
Nghi ngờ về tuyên bố chiến thắng dịch tả lợn châu Phi của Trung Quốc / Hong Kong tiêu hủy 6.000 con lợn để chặn dịch tả lợn châu Phi
Trang trại của Sun Dawu năm 2018, trước khi bùng phát dịch bệnh tả lợn châu Phi. Ảnh: Sun Dawu. |
Lợn của Sun Dawu bắt đầu đổ bệnh vì một loại virus bí ẩn hồi tháng 12 năm ngoái. 4 tháng sau, tất cả 20.000 con lợn trong trang trại đều chết, trong đó 15.000 con chết vì virus, 5.000 con bị tiêu hủy để phòng ngừa dịch lan rộng.
“Ban đầu chỉ vài con chết mỗi ngày, sau đó là hàng trăm con”, Sun, nông dân chăn nuôi lợn kiêm chủ doanh nghiệp ở tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc, nói. “Cuối cùng, 8.000 con chết chỉ trong một ngày”.
Dịch tả lợn châu Phi (ASF) đang tàn phá ngành chăn nuôi lợn ở Trung Quốc, quốc gia có số đầu lợn lớn nhất thế giới. Ngân hàng Rabobank của Hà Lan ước tính số đầu lợn của Trung Quốc năm 2019 sẽ giảm khoảng 200 triệu con, chiếm 1/3 số lợn ở quốc gia này và tương đương số lợn ở Mỹ và châu Âu cộng lại.
Virus tả lợn châu Phi vô hại với người nhưng gây tử vong cho lợn và tới nay không có thuốc chữa hay vắcxin. Dịch bắt nguồn từ châu Phi, được ghi nhận ở Đông Âu và Nga trước khi xuất hiện lần đầu ở Trung Quốc vào tháng 8 năm ngoái. Nó đã lan sang nhiều nước châu Á, bao gồm Việt Nam và Campuchia.
Hồi tháng 3, chính phủ Trung Quốc tuyên bố đã “kiểm soát tốt” dịch bệnh. Trong một cuộc họp báo tháng trước, Bắc Kinh cho hay ASF không lan rộng và nhanh như trước.
Theo Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc (FAO), chính phủ Trung Quốc đã thực hiện những bước đi đúng đắn để khống chế dịch. “Họ đã làm mọi thứ có thể để kiểm soát dịch. Họ lập kế hoạch, ra chiến lược, hành động rất mạnh mẽ”, Vincent Martin, đại diện FAO tại Trung Quốc, nói.
Nhưng quy mô của dịch lớn hơn ước tính của chính quyền, vì một số nông dân cho hay không phải lúc nào địa phương cũng ghi nhận đúng tình trạng dịch bệnh.
Cán bộ thú y khử trùng chuồng trại của Sun Dawu, sau khi 15.000 con chết vì virus. Ảnh: Sun Dawu. |
Sun cho hay kiểm tra ban đầu cho thấy trang trại ở tỉnh Hà Bắc của ông âm tính với ASF. Tuy nhiên, sau khi Sun đăng ảnh những con vật đã chết lên mạng, Trung tâm Phòng chống Dịch bệnh Nhà nước đã kiểm tra và xác nhận lợn chết do virus dịch tả lợn châu Phi.
Cũng tại Hà Bắc, Zhang Haixia, một đồng hương của Sun, đã chứng kiến 600 con lợn trong trang trại của mình bị chết. Chính quyền nói nguyên nhân do cúm lợn.
“Quan chức địa phương sợ chịu trách nhiệm”, Zhang nói. “Họ đe dọa chúng tôi phải chịu hậu quả nếu báo cáo lên cấp cao hơn. Họ sợ mất việc vì để dịch bệnh phát sinh”. Chính quyền tỉnh Hà Bắc không trả lời yêu cầu bình luận của CNN.
Martin cảnh báo có thể mất nhiều năm trước khi dịch bệnh bùng phát hoàn toàn. “Tôi không chắc rằng chúng ta có thể kiểm soát được dịch không bởi căn bệnh này rất phức tạp”, ông giải thích. “Chúng tôi đã có kinh nghiệm ở những quốc gia khác, nơi mất nhiều năm mới xử lý được dịch bệnh”.
Một trong những vấn đề chính mà Trung Quốc phải đối mặt trong việc kiểm soát ASF là ngành chăn nuôi không tập trung. Martin cho hay có hàng nghìn trang trại quy mô nhỏ không được áp dụng các biện pháp an ninh sinh học cần thiết để kiểm soát bệnh lây lan.
Zhang Haixia khóc khi nhìn vào những ô chuồng trống sau khi cả đàn lợn chết hồi đầu năm 2019. Ảnh: CNN. |
Một điều nữa là virus có thể tồn tại trong sản phẩm thịt lợn nhiều tháng, nghĩa là nó có thể lây nhiễm sang đàn lợn một cách ngẫu nhiên. Không chỉ các nhà chăn nuôi lợn bị tổn thương, ASF còn gây tác động kinh tế lớn, bởi Trung Quốc là nước tiêu thụ thịt lợn lớn nhất thế giới. Đây là mặt hàng chủ lực cho quốc gia có dân số 1,4 tỷ người.
Theo dự báo, giá thịt lợn sẽ tăng lên mức kỷ lục trong nửa cuối năm 2019 do cầu vượt cung. Các nhà phân tích cho biết nguồn cung thịt lợn thế giới không đủ để bù đắp số thiếu hụt ở Trung Quốc và người tiêu dùng có thể chuyển sang loại thịt khác thay thế.
Báo cáo của Rabobank dự đoán sự thay đổi “chưa từng có” trong chuỗi cung cấp thịt toàn cầu cho Trung Quốc để bù đắp khoản thiếu hụt. “Sự thay đổi này sẽ tạo ra sự thiếu hụt sản phẩm không ngờ tới, đẩy giá thịt toàn cầu lên cao hơn”, Christine McCracken, người soạn báo cáo của Rabobank, dự đoán.
Các nhà sản xuất thịt lợn ở Mỹ và châu Âu bắt đầu tăng xuất khẩu sang Trung Quốc, dù hàng xuất khẩu của Mỹ phải chịu thuế 62% trong cuộc chiến thương mại với Trung Quốc.
2019 theo âm lịch là năm Hợi ở Trung Quốc và một số quốc gia châu Á. Nó được coi là năm tốt lành nhưng viễn cảnh ngành thịt lợn ở Trung Quốc lại không mấy tươi sáng.
Hồng Hạnh (Theo CNN)