Aenean sollicitudin, lorem quis bibendum auctor, nisi elit.

Công ty CP Nguyên liệu AVOCA Việt Nam

Là tỉnh nằm ở ven biển Nam bộ, có chiều dài bờ biển trên 30 km, địa hình đa dạng: Vùng lợ, mặn, vùng sinh thái ngọt, vùng ngập lũ và vùng nhiễm phèn Đồng Tháp Mười, tỉnh Tiền Giang đang đối mặt với biến đổi khí hậu ngày một rõ nét, ảnh hưởng lên đời sống và sản xuất của nhân dân hết sức nặng nề. Để tháo gỡ khó khăn, giảm nhẹ thiên tai, tỉnh khuyến khích người dân đa dạng hóa cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nhân rộng những mô hình sản xuất, chăn nuôi thích ứng biến đổi khí hậu, trong đó con dê được xem là một trong những vật nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao, đang phát triển khá nhanh tại những địa bàn khó khăn, thiên nhiên khắc nghiệt như huyện ven biển Gò Công Đông, huyện cù lao nhiễm mặn Tân Phú Đông nằm hạ lưu sông Tiền và ở các huyện vùng ngập lũ như Cai Lậy, Cái Bè và thị xã Cai Lậy.

Tỉnh đã tăng cường chuyển giao kỹ thuật, hướng dẫn nông dân làm chuồng trại, tuyển chọn con giống tốt, chất lượng, nhân rộng những mô hình nuôi tiên tiến nhằm nâng cao kiến thức và trình độ chăn nuôi, giúp nông dân thành công. Trong đó, nuôi dê an toàn sinh học thích ứng biến đổi khí hậu là mô hình có nhiều ưu điểm vượt trội, hiệu quả kinh tế cao, bảo vệ môi sinh môi trường, đang được Trung tâm Khuyến nông tỉnh chuyển giao cho bà con nhằm nhân rộng trong cộng đồng.

 

Vừa qua, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã đầu tư khoảng 160 triệu đồng xây dựng các mô hình chăn nuôi dê an toàn sinh học thích ứng biến đổi khí hậu tại các địa phương vùng ngập lũ đầu nguồn sông Tiền là huyện Châu Thành và thị xã Cai Lậy. Tại các mô hình, Trung tâm hỗ trợ người nuôi vật tư để làm đệm lót sinh học, thức ăn bổ sung, vaccin phòng bệnh, bánh dinh dưỡng dành cho dê… Theo ông Nguyễn Ngọc Thành, Trưởng Trạm Khuyến nông huyện Châu Thành, cách làm đệm lót sinh học trong mô hình chăn nuôi dê an toàn sinh học dễ làm, dễ thực hiện và mang lại hiệu quả cao. Yêu cầu là chuồng trại nuôi dê phải cao ráo, sạch sẽ, tránh ẩm ướt. Sàn chuồng phải cách mặt đất từ 60 – 80cm và tránh được mưa hắt, gió lùa, tránh ánh nắng gay gắt chiếu trực tiếp,.. Chuồng nuôi dê có thể làm đơn giản bằng các vật liệu có sẵn tại địa phương như gỗ tận dụng thân cây cau, dừa, lợp bằng các loại lá dừa nước, tranh, đưng,… Cách làm đệm lót sinh học cho quy mô 20m2 nền chuồng như sau: Đầu tiên là nện chặt nền đất; dùng 01 kg men Balasa N01, 1,3 kg cám gạo cùng một ít nước sạch trộn đều cho hơi ẩm. Sau đó, cho hỗn hợp trên vào bao thức ăn ủ hai ngày. Tiếp theo, rải trấu, mùn cưa dày 20cm lên mặt nền, phun ẩm và rắc đều hỗn hợp men Balasa N01 đã ủ lên trên.

 

Ông Huỳnh Long Ẩn (sinh năm 1960), ngụ ấp Trung, xã Đông Hòa (huyện Châu Thành) có tổng đàn 11 con dê (trong đó có 7 con dê nái được Trung tâm Khuyến nông tỉnh chọn thực hiện mô hình nuôi dê an toàn sinh học thích ứng biến đổi khí hậu) cho biết, ông làm đệm lót sinh học trên nền chuồng có diện tích 30m2. Sau 4 tháng thực hiện đệm lót sinh học, mùi hôi giảm đến 90%, dê tăng trọng nhanh, ít bệnh tật. Do vậy, khắc phục được ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi, bảo vệ sức khỏe vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao, giải quyết bài toán lao động việc làm tại nông thôn những địa bàn khó khăn.

 

Ông Huỳnh Long Ẩn phấn khởi cho biết, gia đình ông có thâm niên nuôi dê hàng chục năm nay, trung bình mỗi năm, bán thu lãi trên 30 triệu đồng từ nguồn lợi chăn nuôi dê. Nhờ con dê, kinh tế gia đình được cải thiện và nâng lên. Lâu nay, vấn đề mùi hôi và ô nhiễm môi trường làm gia đình ông hết sức đau đầu mà vẫn không tìm ra cách giải quyết triệt để. Với mô hình nuôi dê an toàn sinh học thích ứng biến đổi khí hậu, sử dụng đệm lót trong chăn nuôi, ông không còn lo vấn đề ô nhiễm trong khi đàn dê mau lớn, khỏe mạnh.

 

Tại xã Mỹ Hạnh Trung, thị xã Cai Lậy, Trung tâm Khuyến nông tỉnh triển khai 2 mô hình trình diễn nuôi dê an toàn sinh học thích ứng biến đổi khí hậu tương tự mô hình ở xã Đông Hòa, huyện Châu Thành. Ông Nguyễn Văn Mẫu, ngụ ấp Mỹ Thạnh, xã Mỹ Hạnh Trung có tổng đàn dê trên 20 con, trong đó có 7 con dê nái. Mỗi năm, gia đình ông bán thu lãi ròng từ 30 – 40 triệu đồng từ nuôi dê. Tham gia mô hình, ông được Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ kinh phí và chuyển giao kỹ thuật làm đệm lót sinh học. Ông Mẫu chia sẻ: “Trước đây, nuôi dê phải lo dọn chuồng trại hàng ngày tốn rất nhiều công sức nhưng vẫn không khắc phục được mùi hôi của phân và nước tiểu, môi trường bị ô nhiễm nặng, chưa kể sinh ra ruồi, muỗi, đe dọa lây lan mầm bệnh trong cộng đồng. Còn hiện nay, khi ứng dụng mô hình đệm lót sinh học trong chăn nuôi dê, ô nhiễm môi trường được khắc phục, ruồi muỗi không còn cơ hội phát triển, dê ít bệnh tật, an toàn cho môi trường và sức khỏe, không tốn nhiều công lao động như trước… Thật là tiện ích mọi điều!”.

 

Nghề chăn nuôi dê thích ứng biến đổi khí hậu, giải quyết công ăn việc làm cho lao động nông thôn đang phát triển mạnh tại nhiều địa phương trong tỉnh Tiền Giang, trong đó có huyện Châu Thành và thị xã Cai Lậy nằm trong vùng ảnh hưởng lũ lụt đầu nguồn sông Tiền. Tại đây, có tổng đàn dê ước hàng chục ngàn con gồm cả dê thịt và dê sinh sản. Cùng với xây dựng mô hình trình diễn, Trung tâm Khuyến nông tỉnh còn mở những lớp dạy nghề chăn nuôi dê cho nông hộ nhằm chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi dê an toàn sinh học thích ứng biến đổi khí hậu một cách rộng khắp. Theo ông Nguyễn Ngọc Thành, đây là bước đi cụ thể nhằm góp phần nhân rộng kỹ thuật ứng dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi dê an toàn, người nuôi và cộng đồng cùng hưởng lợi.

 

Hiện tại, thấy lợi ích từ đệm lót sinh học, ngoài các hộ trong mô hình, tại huyện Châu Thành, còn có hàng chục hộ nông dân chăn nuôi dê đang học tập, áp dụng mô hình. Qua đó, cho thấy sức lan tỏa của mô hình chăn nuôi dê an toàn sinh học thích ứng biến đổi khí hậu mà Trung tâm Khuyến nông tỉnh đang chuyển giao cho nông dân, phù hợp với chủ trương xây dựng nền nông nghiệp chất lượng cao thời kỳ công nghệ 4.0.

Post a Comment

Call Now